Liên Kết Ngoài

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Những người không đủ tiền chết tử tế tại Hàn Quốc

Phải chết trong cô đơn mà không có lấy một đám tang là nỗi ám ảnh của những người già cả và nghèo khó ở Hàn Quốc.



Ông Park Jin-ok dành một phút mặc niệm trước ngăn lạnh chứa xác một người không ai thừa nhận. Ảnh: New York Times


Trong một nền văn hóa mà những đám tang thường được tổ chức trang trọng, kéo dài tới ba ngày, với hàng trăm quan khách tham gia thì tang lễ của ông Song In-sik lại quá đỗi đơn giản. Nó chỉ có duy nhất một khách viếng cũng chính là người đã đứng ra tổ chức đám tang này.  Tin nhanh           
Ông Park Jin-ok đặt một bàn trái cây, cá khô và hoa giấy trước ngăn chứa thi thể của ông Song trong nhà xác bệnh viện Sungae ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Park đốt hương, vái lạy trước khi người điều hành nhà xác yêu cầu cầu ông thu dọn mọi thứ. Điều đáng chú ý là Park không hề quen biết với ông Song.

Song, 47 tuổi, qua đời hồi tháng 7. Phải ba ngày sau khi trút hơi thở cuối cùng, thi thể ông mới được tìm thấy trong tình trạng đang phân hủy tại một căn phòng trọ nhỏ. Tuy vậy, ông vẫn được xem là may mắn khi vẫn có một đám tang dù không mấy tươm tất. Hiện nay, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đang phải chết trong cô độc bởi không có bất kỳ ai đứng ra nhận thi thể hay tổ chức tang lễ cho người quá cố, theo New York Times.

Cái chết cô độc

Theo số liệu thống kê của chính phủ, những "cái chết cô độc" như trên đang có chiều hướng gia tăng ở Hàn Quốc. Điều này cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong cấu trúc gia đình truyền thống ở quốc gia châu Á này.

Dù đa số người dân Hàn Quốc đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng bùng nổ của nền kinh tế trong vài thập niên trở lại đây nhưng vẫn còn những gia đình nằm ngoài vòng tròn lợi ích ấy.

"Những người bị tụt hậu dần trở nên cô đơn, bởi không giống tầng lớp người nghèo trước đây, họ phải chứng kiến cộng đồng của mình bị phá hủy để tái phát triển đô thị", ông Kim Keun-ho, mục sư Thiên chúa giáo từng nhiều lần tiếp xúc với dân cư tại các khu ổ chuột tồi tàn bậc nhất ở Hàn Quốc, nói. "Những người nghèo khó và giả cả, họ chẳng có nơi nào để đi".

Mục sư Kim đã theo sát những biến động ở Hàn Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Theo ông, rất nhiều người sau khi mất việc không thể phục hồi vì lạc lõng trước nhịp độ quá nhanh của cuộc sống cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong xã hội. Đến nay, khi ở vào độ tuổi ngoài 40 hoặc hơn, những người này phải ngủ tại ga tàu điện ngầm hay dưới các đường hầm. Khung cảnh ấy gợi nhớ tới những năm tháng đầy khó khăn ở Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh liên Triều.

Tình trạng trên là minh chứng cho thấy những rạn nứt trong mối quan hệ xã hội tồn tại hàng trăm năm qua ở Hàn Quốc. Cha mẹ dành hết tiền bạc cho con cái với mong ước nương nhờ chúng khi về già. Song, không ít người cao tuổi ở quốc gia này hiện phải lâm vào cảnh chẳng có một đồng dành dụm nào khi về hưu trong khi con cái lại không đủ khả năng chu cấp cho họ.

Theo một báo cáo đưa ra tháng trước, tỷ lệ người cao tuổi có thân nhân hay bạn bè để nhờ cậy khi về già ở Hàn Quốc xếp hạng cuối cùng trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trợ cấp xã hội dành cho những người ngoài độ tuổi 50 cũng ở mức tương đối thấp.

"Một xã hội để những người nghèo khó, bị bỏ rơi phải chết mà không có nổi một đám tang là xã hội chết dần từ bên trong", ông Park, lãnh đạo nhóm tình nguyện Nanum & Nanum chuyên tổ chức các tang lễ đơn giản cho những người chết trong cô độc, nhận xét. "Họ phải sống những ngày cuối đời với nỗi ám ảnh thi thể mình sẽ bị đối xử như rác rưởi".

Tang lễ và địa vị

Theo các nhà hoạt động, một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của người nghèo là họ phải chết mà không có tang lễ tử tế. Tại Hàn Quốc, giá trị và vị trí của một gia đình trong cộng đồng được đong đếm và đánh giá qua những đám tang, có bao nhiêu khách đến viếng và họ ở lại trong bao lâu.

Nhưng đối với người nghèo, một sự kiện như vậy thực sự nằm ngoài tầm với. Nhiều người còn không thể tìm lại thân nhân của họ.

"Đặc biệt là trong trường hợp người già cả sống một minh hay người vô gia cư", Kim Jae-ho từ Viện Sức khỏe và Vấn đề Xã hội Hàn Quốc, cho biết. "Những người còn sống không muốn nhận thi thể của họ hàng mình bởi họ không chịu nổi gánh nặng kinh tế quá lớn khi phải trang trải cho một đám tang". suc khoe gia dinh     

Suốt 6 năm qua, cựu chiến binh Choi Jeong-woong, 71 tuổi, sống qua ngày với số tiền 220 USD mỗi tháng trong một quán trọ cũ mà như mục sự Kim miêu tả là nơi "cô đơn nhất ở Hàn Quốc". Rất nhiều cư dân tại đây dành những năm tháng cuối đời trong căn phòng nhỏ đến nỗi chỉ vừa kê đủ một chiếc giường con. Choi nói ông chẳng còn ai thân thích để lo đám tang cho mình.

"Tôi thường hàn huyên với bạn bè về quãng thời gian khi còn tham chiến ở Việt Nam", ông Choi nói với đôi tay run lập cập. "Giờ tôi không làm thế nữa bởi tôi không muốn làm đổ thức ăn ở nơi công cộng".

Chỉ số Hưu trí toàn cầu Mercer Melbourne 2015 được công bố tháng trước tính toán hệ thống thu nhập của người về hưu tại 25 nền kinh tế lớn và xếp hạng Hàn Quốc đứng thứ 24, chỉ cao hơn Ấn Độ. Năm ngoái, chỉ 45% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 55 đến 79 có lương hưu trong khi chi tiêu trung bình hàng tháng của họ là 431 USD, bằng 82% mức chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một người.

Khoảng 30% người cao tuổi Hàn Quốc có thu nhập hàng tháng dưới mức nghèo tuyệt đối. Nhưng những người này chỉ có thể nhận trợ cấp nếu chứng minh được rằng gia đình không mong muốn hoặc không thể chu cấp cho họ. Nhiều người khước từ lựa chọn trên bởi họ cảm thấy quá xấu hổ khi phải thừa nhận rằng hàng năm trời nay không người thân nào liên lạc với mình.

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe và các Vấn đề Xã hội Hàn Quốc, cứ 4 người cao tuổi ở nước này lại có một người mắc chứng trầm cảm. Tỷ lệ tự tử của nhóm người cao tuổi cũng tương đối cao, gấp đôi so với mức trung bình cả nước.

Ông Ham Ham Hak-joon, 87 tuổi, hiện sống một mình trong căn phòng đi thuê với giá 130 USD mỗi tháng tại một khu phố tồi tàn. Ông từng làm chủ một công ty vận tải nhỏ nhưng bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Nỗi lo lắng không có một đám tang cũng hàng ngày ám ảnh Ham nhưng nó đã được hóa giải bởi Nanum & Nanum khi nhóm này đồng ý tổ chức tang lễ cho ông.

"Tôi sẵn sàng để chết rồi", ông nói trong khi mắt vẫn dán vào màn hình tivi, thứ phương tiện duy nhất giúp ông kết nối với thế giới xung quanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét